Nguyên nhân khiến trẻ bị ho kéo dài
Dị ứng thời tiết: đây là nguyên nhân thường gặp mỗi khi chuyển mùa, thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại, nhất là ở trẻ em dưới 3 tuổi. Ở lứa tuổi này, hệ hô hấp còn non yếu, sức đề kháng còn kém, các thành phần miễn dịch của hệ hô hấp chưa hoàn thiện nên trẻ dễ phản ứng với điều kiện thời tiết thất thường, biểu hiện rõ rệt nhất là ho.
Hen phế quản: hen thường xảy ra với trẻ từ 5, 6 tuổi trở lên, hiếm khi gặp ở trẻ nhỏ. Khác với các tình trạng viêm nhiễm, trẻ bị hen khi hệ miễn dịch đã tương đối hoàn thiện nên phản ứng quá mức với một số tác nhân gây dị ứng.
Viêm xoang: trẻ bị viêm xoang nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể kéo dài, trở thành mạn tính, khiến các triệu chứng của bệnh, trong đó có ho cũng trở nên dai dẳng không dứt.
Tim bẩm sinh: trẻ nhỏ hay bị ho, viêm phổi kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần cần tìm hiểu xem trẻ có vấn đề gì về tim hay không. Một số bệnh tim bẩm sinh gây nên biến chứng viêm phổi nhiều lần ở trẻ.
Một số nguyên nhân khác: dị tật bẩm sinh đường hô hấp ở trẻ sơ sinh, ho gà, ho lao, trào ngược dạ dày, ô nhiễm môi trường,… Do vậy, cha mẹ không nên chủ quan mà cần cho trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị triệt để.
Biểu hiện ho lâu ngày
Cùng là ho nhưng với các nguyên nhân khác nhau, tính chất ho của trẻ cũng khác nhau, cha mẹ có thể dựa vào đó để định hướng nguyên nhân, từ đó có các hướng xử trí đúng đắn, không lạm dụng thuốc.
Dị ứng thời tiết: trẻ thường ho thành cơn, nhiều hơn vào lúc trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy hay khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi và ngược lại. Ho do dị ứng thời tiết có thể có đờm nhưng là đờm trong, không nhầy đục, không vàng xanh, không kèm theo sốt. Nếu trẻ đã có sốt hoặc đờm đổi màu thì đó không còn là dị ứng thời tiết mà đã chuyển sang bội nhiễm vi khuẩn.
Hen phế quản: trẻ ho, kèm theo khò khè, khạc đờm, nhiều về đêm, nhất là khi thay đổi thời tiết, có thể khó thở nhẹ khi ho, khóc, cười hay khi nuốt. Trường hợp điển hình có biểu hiện khó thở, khò khè chủ yếu về đêm gần sáng.
Viêm xoang: trẻ có các biểu hiện của viêm xoang đi kèm ho như: sổ mũi, ngạt mũi, sốt, đau đầu, hay quấy khóc, ngủ không ngon giấc,… Nếu những biểu hiện này kéo dài hoặc thường xuyên tái đi tái lại thì cha mẹ nên đưa bé đi khám chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để tìm hiểu có phải do viêm xoang hay không.
Trong mọi trường hợp trẻ bị ho lâu ngày, dù cha mẹ có nghi ngờ bất kỳ nguyên nhân nào thì cũng cần cho trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị, không tự ý dùng thuốc tại nhà, điều này có thể khiến bệnh của trẻ trở nên nặng và khó điều trị hơn.
Chăm sóc khi trẻ bị ho lâu ngày
Điều đầu tiên và quan trọng nhất khi chăm sóc trẻ bị ho lâu ngày, đó là đưa trẻ đi khám và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu trong quá trình điều trị, trẻ có các biểu hiện bất thường, bệnh không thuyên giảm hoặc nặng lên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám lại, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, đổi thuốc tại nhà, có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
Đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ: khi bị bệnh, cơ thể bé cần nhiều năng lượng hơn cho hệ thống miễn dịch hoạt động cũng như phục hồi các cơ quan bị tổn thương. Trong khi đó, bệnh khiến trẻ mệt mỏi, giảm cảm giác ngon miệng nên thường ăn kém hơn so với bình thường. Do vậy, cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn tới bữa ăn của trẻ, cải thiện bữa ăn nhằm kích thích trẻ ăn ngon miệng như: thay đổi thực đơn cho phù hợp với sở thích, khẩu vị của bé, chia thành nhiều bữa nhỏ, mỗi bữa ăn các thức ăn khác nhau,…
Cho trẻ uống nhiều nước: nhằm giúp làm loãng đờm, tránh khô miệng họng do trẻ bị ho nhiều. Cha mẹ có thể cho bé uống thêm sữa, nước hoa quả, vừa giúp bổ sung năng lượng, vừa tăng cường vitamin.
Vệ sinh mũi họng hàng ngày cho trẻ: nhất là khi trẻ bị ho do dị ứng thời tiết, viêm xoang,… Cho trẻ súc miệng và rửa mũi bằng nước muối 2 – 3 lần mỗi ngày, tuy nhiên, không làm quá 4 lần/ngày có thể gây nên tác hại ngược lại.
Vỗ rung nếu trẻ ho có đờm nhưng khó khạc đờm. Cha mẹ làm động tác này khi trẻ đói, tốt nhất là vào buổi sáng khi trẻ chưa ăn gì, Mẹ có thể đặt bé nằm nghiêng hoặc ngồi với tư thế đầu và thân mình hơi cúi xuống, mẹ khum bàn tay lại rồi vỗ đều vào vùng lưng bé, phần giữa hai bả vai, làm nhịp nhàng liên tục. Sau động tác này, trẻ thường ho nhiều, khạc đờm hoặc nôn, nếu bé không tự khạc được, mẹ có thể kích thích bằng cách dùng khăn mềm, sạch, lau nhẹ nhàng khoang miệng, lưỡi, kích thích nhẹ vào họng.