Tác hại của việc nghiện thuốc lá

1.  Nghiện thuốc lá là gì?

Ai cũng biết “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” và “Cai thuốc lá có lợi cho sức khỏe”. Thế nhưng người ta vẫn tiếp tục hút, đó là do người hút thuốc lá đã trở nên “lệ thuộc” hay “nghiện”.

Nghiện thuốc lá bao gồm lệ thuộc thực thể vào chất nicotine có trong thuốc lá; lệ thuộc  tâm lý và hành vi đối với hành vi hút thuốc lá.

Nghiện thực thể: chất nicotine tác động lên quá trình hoạt động của hệ thống thần kinh làm người hút thuốc lá có cảm giác hưng phấn, giảm lo lắng, tăng khả năng tập trung .v.v. Khi cai thuốc, người nghiện hút thuốc lá cảm thấy buồn bã, lo lắng, bứt rứt, mất ngủ, khó tập trung, vật vã vì hệ thần kinh của họ đã quen với nồng độ nicotine trong máu cao. Những triệu chứng xuất hiện khi cai thuốc lá được gọi là hội chứng cai thuốc lá, hội chứng cai thuốc này là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tự cai thuốc thành công thấp.

nghien-thuoc-la

Nghịện tâm lý: người hút thuốc lá có những quan điểm lệch lạc về thuốc lá, họ không nhìn thuốc lá dưới khía cạnh gây hại cho sức khỏe, ngược lại nhìn nhận thuốc lá như là một biểu tượng của sự “trưởng thành”, “nam tính”, “sành điệu”.

Nghiện hành vi: hành vi hút thuốc lá đã trở nên một thói quen, một phản xạ có điều kiện được củng cố bằng hình thức lập đi lập lại qua nhiều năm tháng. Đối với một số người cứ mỗi khi uống cà phê, sau bữa ăn, khi gặp gỡ bạn bè   là hút thuốc lá; đối với một số người khác, việc luôn cầm một điếu thuốc trên tay đã trở thành một thói quen khó bỏ, hành vi đốt điếu thuốc lá ở học đã trở nên hoàn toàn tự động, không đòi hỏi phải suy nghĩ cũng như là hành vi đi xe đạp đối với rất nhiều người biết đi xe đạp.

 

 Để phát hiện lệ thuộc thực thể, người ta dùng 3 phương pháp: hỏi lâm sàng qua trắc nghiệm  Fagerstroms, đo nồng độ CO hơi thở ra.

  • Test Fagerstroms la một bảng 6 câu hỏi, sau này rút gọn thành 2 câu hỏi để xác định xem mức độ lệ thuộc vào Nicotine nhiều hay ít

Câu hỏi 1: Bạn hút điếu thuốc đầu tiên trong ngày sau khi thức dậy bao nhiêu lâu?

+ Cho 3 điểm nếu câu trả lời là < 5 phút

+ Cho 2 điểm nếu câu trả lời là 5 – 30 phút

+ Cho 1 điểm nếu câu trả lời là 30 – 60 phút

+ Cho 0 điểm nếu câu trả lời là > 60 phút

 

Câu hỏi 2: Bạn hút bao nhiêu điếu thuốc một ngày?

+ Cho 3 điểm nếu câu trả lời là > 30 điếu/ngày

+ Cho 2 điểm nếu câu trả lời là 20- 30 điếu/ngày

+ Cho 1 điểm nếu câu trả lời là 10-20 điếu/ngày

+ Cho 0 điểm nếu câu trả lời là < 10 điếu/ngày

  • Kết quả : cộng điểm 2 câu hỏi

+   0-2: không hay ít lệ thuộc về mặt dược lý vào nicotine

+   3-4: lệ thuộc trung bình về mặt dược lý vào nicotine

+   5-6: lệ thuộc nặng về mặt dược lý vào nicotine

  • Nồng độ CO trong hơi thở ra:

+   Phương pháp khách quan, chính xác, rẻ tiền, dễ làm, có kết quả ngay

+   Giúp xác định mức độ lệ thuốc vào nicotine

+   Hiện nay có trang bị một số bệnh viện thành phố

 

Trái với lệ thuộc thực thể, lệ thuộc tâm lý- hành vi không có một thang điểm rõ ràng dể đánh giá, thường được phát hiện thông qua buổi tư vấn với bác sỹ

 

2.  Các phương pháp điều trị cai nghiện thuốc lá:

Theo khuyến cáo của WHO, các biện pháp điều trị được minh chứng là có hiệu quả là: điều trị nhận thức thay đổi hành vi, điều trị bằng thuốc: nicotine thay thế, bupropion, varenicline. Tùy trường hợp, bác sỹ quyết định dung biện pháp điều trị nào, đơn thuần hay kết hợp 2 thậm chí 3 biện pháp. Trong mọi trường hợp đều gồm điều trị nhận thức- thay đổi hành vi

  • Điểu trị nhân thức- thay đổi hành vi bắt đầu từ buổi trao đổi đầu tiên với bác sỹ
    • Bác sỹ giúp xác định lý do, hoàn cảnh, môi trường thúc đẩy hút thuốc lá, lý do khiến bạn cảm thấy phải ngừng hút. Bác sỹ giúp tìm ra giải pháp tránh tình huống thúc đẩy hút thuốc lá, giải pháp thay thế hành vi hút thuốc lá bắng hành vi khác không có hại
    • Bác sỹ giúp củng cố lý do và quyết tâm muốn cai thuốc lá: Bác sỹ cung cấp lời khuyên, mức độ cần thiết của việc thực hiện chuyển đổi hành vi hút thuốc lá thành một hành vi khác có lợi cho sức khỏe nếu thành công

Ngoài những buổi trò chuyện trực tiếp như trên, khi bạn có nhu cầu, bạn có thể liên lạc trực tiếp với bác sỹ qua điện thoại và nhận được tư vấn từ xa: bạn không chỉ nhận được sự trợ giúp của bác sĩ dưới vai trò của người bác sỹ mà còn là một người bạn nữa

  • Điều trị bằng chế phẩm nicotine thay thế
    • Nên khuyên dùng cho những trường hợp bị lệ thuộc thực thể nặng
    • Nicotine thay thể có thể dược cung cấp qua nhiều đường khác nhau như: miếng dán, viên thuốc nhai, viên thuốc ngậm dưới lưỡi, nicotine hít; trong bốn loại này, loại thường được duùng nhất là nicotine dán.
    •  Điểm khác biệt cơ bản của nicotine trong chế phẩm thay thế và nicotine qua điếu thuốc là nồng độ nicotine trong chế phẩm thay thế thấm vào máu làm cho nồng độ nicotine trong máu không dâng cao một cách đột ngột, còn nicotine do hút điếu thuốc sẽ thấm vào máu rất nhanh qua phổi đạt nồng độ trong máu cao đột ngột. Chính điểm khác biệt này, nicotine trong chế phẩm thay thế giúp cơ thể không bị quá thiếu nicotine nên không xuât hiện hôi chứng cai thuốc, nhưng cũng không tăng cao đạt đỉnh nên không đem đến cho người bệnh sự sảng khoái có được khi hút thuốc và như vậy sẽ không gây nghiện. Ngoài ra cũng cần nhớ là khi bạn hút thuốc lá, thì ngoài việc hít vào chất nicotine, là chất gây nghiện, bạn còn hít vào đồng thời thêm 4000 chất độc hại khác sinh ra do quá trình đốt cháy thuốc lá nữa, còn trong chế phẩm nicotine thay thế thì bạn chỉ nhận vào cơ thể mỗi chất nicotine mà thôi
    • Như vậy nicotine thay thế giúp bạn giảm thiểu các triệu chứng vật vã trong những ngày đầu cai thuốc lá, khi cơ thể đã quen dần, bác sỹ sẽ giảm dần liều thuốc nicotine thay thế sao cho các triệu chứng cai thuốc không xuất hiện. Tùy theo cá nhân, đặc biệt là mức độ lệ thuộc nicotine, thời gian dung thuốc nicotine kéo dài từ 1-2 tháng, trường hợp cá biệt có thể kéo dài đến 6 tháng.
  • Điều trị bằng buprobion và varenicline:
    • Cũng được khuyên dung cho trường hợp lệ thuộc thực thể nặng.
    • Buprobion và  varenicline tác động lên hệ thống thần kinh làm người nghiện hút thuốc lá giảm hẳn  ham muốn đòi hút thuốc lá
    • Với cơ chế tác động như vậy, Bupropion và varenicline ban đầu được xem là giải pháp rốt ráo cho cai thuốc. Nhưng đáng tiếc là một số người cai thuốc lá lại không đáp ứng với bupropion và varenciline, hơn nữa vì hai thuốc này đều có chỉ định, chống chỉ định về tác dụng phụ nên phải được bác sỹ kê toa

nghien-thuoc-la1

        Trong cai thuốc lá cần nhớ:

  • Thứ nhất, việc cai thuốc lá thành công trước tiên là tùy thuộc vào sự quyết tâm cai thuốc lá của bạn, có rất nhiều người nghiện thật nặng nhưng cũng đã tự cai thành công
  • Thứ hai, không phải mọi người đều lệ thuộc thực thể nhiều, nếu chỉ lệ thuôc nhẹ, hoặc lệ thuộc tâm lý, hành vi nhiều hơn thi không cần có chỉ định điều trị bằng  thuốc
  • Thứ ba, điều trị nhận thức hành vi nhằm chuyển đổi hành vi hút thuốc lá là cần thiết cho mọi trường hợp và hiệu quả không thua kém biện pháp điều trị bằng thuốc

3.  Lợi ích của cai thuốc lá

  • Lợi ích trước mắt:
    • Tim mạch: Nhịp tim chậm lai, huyết áp giảm sau ngưng hút 30 phút
    •  Hô hấp: Ban sẽ khạc đàm nhiều hơn trong một vài tuần đầu tiên là dấu hiệu tốt cho biết tế bào niêm mạc phế quản đã hoạt động trở lại. Nếu bạn mắc viêm phế quản mạn, tần suất, cường độ triệu chứng ho, khạc đàm, khó thở, thở rít giảm rõ ngay trong những ngày, tuần đầu sau cai thuốc lá
    • Tai mũi họng: Gỉam kích thích vùng hầu họng, bớt ngứa cổ ngay tuần đầu tiên. Bạn sẽ cảm nhận trở lại mùi vị thức ăn và bạn sẽ ăn ngon miệng hơn
    • Xét nghiệm: Nồng độ CO máu giảm nhanh chóng và trở về bình thường sau 12g
    • Lợi ích lâu dài: thể hiện băng việc giảm dần tỷ lệ tử vong và tỷ lệ bệnh tật liên quan đến thuốc lá. Lợi ích lâu dài này thể hiện ở nhiều khía cạnh:
    • Bệnh lý ung thư: nguy cơ tương đối của ung thư phổi, hầu họng, ung thư khoang miệng, thực quản, tụy tạng, bàng quang giảm dần dần và đạt ở mức ngang với người không hút thuốc lá sau 10 năm
    •  Bệnh lý tim mạch: nếu cai thuốc sau nhồi máu cơ tim thì nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát giảm 50%; nguy cơ tử vong giảm 50% vào 1 năm, mất hẳn nguy cơ tim mạch có liên quan thuốc lá vào 5 năm
    • Bệnh lý hô hấp: nguy cơ nhiễm trùng phổi giảm, và tốc độ suy giảm chức năng hô hấp theo tuổi trở về đân tới mức sút giảm của người không hút thuốc
    • Bệnh lý khác: giảm tác hại của thuốc lá lên hệ thống sinh sản, ngưng hút thuốc trước hoặc trong 3-4 tháng đầu của thai kỳ giúp giảm nguy cơ sinh con nhẹ cân
  • Tác dụng gây khó chịu của cai thuốc lá
    • Ngay tức thì:
      • Một số người cai thuốc lá một cách bình yên, dễ dàng. Nhưng đa số trường hợp, cai thuốc lá đi kèm với các khó chịu cá nhân về mặt tâm thần và thể chất. Đặc biệt ở những người nghiện nặng. Những khó chịu này gọi là hội chứng cai thuốc lá.
      • Hội chứng này thể hiện bằng ít nhất 4 trong 11 triệu chứng sau đây:
      • Hội chứng cai nghiện thuốc lá thường xuât hiện 24 giờ sau cai thuốc, tăng lên đạt đỉnh điểm vài cuối tuần lễ thứ nhất và giảm dần và biến mất sau 4-6 tuần
    • Lâu dài:
      • Sau nhiều tuần lễ, nhiều tháng cai thuốc, có người vẫn còn muốn hút thuốc lá. Ham muốn này chủ yếu là do lệ thuộc về mặt tâm lý
      • Tăng cân thường do chuyển hóa cơ bản giảm đi khi ngừng hút thuốc lá và mặt khác là do ham muốn ăn nhiều hơn. Trung bình sau 1-2 năm cai thuốc lá, người cai thuốc lá sẽ tăng cân khoảng 3-5 kg

 

4.  Những tình huống và biện pháp ngăn ngừa tái nghiện hút thuốc

  • Tình huống tái nghiện đột ngột: liên quan đến hai hoàn cảnh sau:
    • Hoàn cảnh khó khăn, căng thẳng quá mức, cần hút một điếu thuốc chống lại
    • Hoàn cảnh cực kỳ thoải mái, cần hút một điếu thuốc để thêm phần thư giãn
    •  Đây là hai hoàn cảnh thường khiến bạn rất “ yếu đuối” trước cám dỗ của thuốc lá. Bạn cần có suy nghĩ trước về hai hoàn cảnh này và chọn sẵn cho mình hành vi thay thế trong các trường hợp đó
  • Tình huống tái nghiện có thể kiếm soát được: thường liên quan đến việc tăng cân nặng sau khi cai thuốc lá. Bạn hút thuốc lá trở lại với mục tiêu giảm cân nặng. Đối với tình huống này bạn cần trao đổi với bác sỹ để tìm ra cách ăn uống và vận động thể lực phù hợp để giảm cân nặng hơn là hút thuốc lá trở lại
  • Các mốc thời gian sau cai thuốc cần phải cảnh giác nguy cơ tái nghiện cao nhất:

Trong một tháng đầu tiên: nguyên nhân là do hội chứng cai nghiện thuốc lá, bạn cần báo cho bác sỹ để bác sỹ cho lời khuyên  và các thuốc men nhằm làm giảm đến mức tối đa các tác dụng khó chịu của hội chứng này

Ba đến sáu tháng sau cai thuốc: lúc này hội chứng cai thuốc lá không còn nữa,  bạn chủ quan cho rằng mình đã cai được thuốc lá và cho rằng nếu chỉ hút một hai điếu do bạn bè mời mọc thì sẽ chẳng sao. Háy nhớ rằng chỉ hút trở lại dù chỉ một điếu bạn sẽ nhanh chóng trở lại nghiện thuốc lá. Như vậy trong giai đoạn này nâng cao cảnh giác trong mọi tình huống là điều cần thiết, hãy mạnh dạn nói với người thân và bạn hữu rằng bạn đang cai thuốc lá và hãy đừng mời bạn hút

Sáu tháng – 1 năm : đây là thời điểm những xung đột cuộc sống và công việc xảy ra, bên cạnh đó số lần và thời gian bạn gặp bác sỹ cũng đã thưa thớt rồi, nên bạn rất dễ hút trở lại để có lời khuyên phù hợp

Sau 1 năm: quá trình cai thuốc lá của bạn được xem là thành công, nếu bạn hút trở  lại thì hoàn toàn không phải bạn bị lệ thuộc thuốc lá mà bởi vì bạn muốn hút. Hãy nhớ lại lúc nhỏ bạn từ cậu bé không biết hút thuốc trở thành người nghiện thuốc lá như thế nào và bạn đã chịu khổ sở như thế nào khi hút và cai thuốc. Hãy điện thoại cho bác sỹ nếu thấy cần thiết