Uống rượu lợi chăng?

“Ly rượu ngon là ly rượu bắt đầu và chấm dứt với một nụ cừơi”

Nguồn gốc của rượu thì xa xưa và mất dấu trong lịch sử hun hút của nhân loại. Đông sang Tây, từ Trung hoa bao la cho đến vùng đất xa xôi thuộc văn minh Lưỡng hà, Cận Đông, đâu đâu người ta cũng tìm thấy những dấu vết của những bình rượu tối cổ đến bốn năm ngàn tuổi. Dân tộc hay cá nhân nào là tác giả của thức uống bất hủ này, không nhà sử học nào khẳng định được, mặc dù rượu gần như hiện diện trong tất cả các biến cố của lịch sử nhân loại.

loi-ich-cua-ruou-vang-do

Chuyện kể rằng tại Ba Tư, một công chúa thất sủng trong cơn “hận đời đen bạc” đã tìm cách tự đầu độc mình bằng cách xơi trọn những quả nho đã chứa lâu ngày trong một bình đựng. Trái này đến trái khác, cung phi nhà ta bỗng chốc mơ màng, choáng váng và rơi vào giấc ngủ, trạng thái mà ngôn ngữ hiện đại kêu là “xỉn”. Khi tỉnh giấc nồng, lạ lùng thay, nàng chợt thấy bao nhiêu phiền muộn chợt tan biến hết. Cảm giác gây hưng phấn kỳ lạ của quả nho ủ lâu ngày mà khoa sinh hóa gọi là sự lên men (fermentation) này ngay lập tức được lan truyền trong cung đình Ba tư và giúp nàng nhanh chóng lấy lại được sự sủng ái của nhà vua thời ấy.

Vì sao người ta thích uống rượu?

Gác chuyện tình cảm ướt át của nàng cung phi nọ qua một bên, ít nhất câu chuyện kia cũng cho ta biết hai điều: sự phát minh ra rượu, hay sự lên men ngũ cốc hay trái cây thành ethanol, hợp chất chủ yếu tạo thành rượu là một sự tình cờ, trước khi con người biết trồng tỉa nho và phát triển những qui trình làm rượu nho, như đã ghi trong các cuộn papyrus Ai cập tối cố viết vào 2500 năm trước công nguyên. Điều thứ hai là cái tác dụng gây hưng phấn và giảm muộn phiền của cái thứ nước mà ta gọi là rựơu.

Chính tác động lên hệ thần kinh của rượu, làm cho thức uống xa xưa này ung dung đi thẳng vào lịch sử nhân loại và là đề tài tranh luận, khen chê của bao nhiêu sách vở. Người La Mã tôn xưng rượu với tửu thần Bacchus, vị thần của chè chén, niềm vui và hoan lạc. Sách Cựu ước đã viết về những cánh đồng nho và rượu vang từ thời Noah và đã đề cập đến công dụng trị bệnh của rượu cả thảy 191 lần trong cả 2 cuốn Tân ước và Cựu ước. Niềm tin cổ xưa của giáo hội công giáo sơ khai cho rằng rượu là một món quà của thượng đế dành cho con người. Do vậy mà những ai chê bai, bài xích rượu đều bị xem là dị giáo. Ngược lại, Phật giáo coi rượu là một trong ngũ giới, thói chè chén say sưa bị “qui kết” là tiền đề dẫn đến sắc dục. Hồi giáo cũng không hề khoan nhượng với cái món bia bọt chén chú chén anh này.

Tranh luận quanh rượu thì nhiều, nhưng giữa thời đại chúng ta đang sống, rượu gần như là một biểu hiện của sự hào sảng, chất nam tính hùng dũng trong một thể lực cường tráng. Thật vậy, hãy coi lại phim Alexandre Đại đế của Olive Stones. Nhìn Colin Farrell tóc vàng óng, cao dong dõng, mặt mày thanh thú đang nốc rượu ừng ực trong chiếc chén vàng tuyệt đẹp, ai dám buông lời chê bai thói rượu chè, vì hình ảnh người uống rượu trong phim thiệt là quá bảnh. Cũng vậy, một hình ảnh Lỗ Trí Thâm uống rượu hàng tô, ăn thịt chó từng tảng, dù phạm giới luật tày trời nhưng không phải là không có người ngưỡng mộ. Ai trong chúng ta cũng có thể tìm được vô vàn ví dụ về sự đánh đồng vẻ đẹp nam tính với thói rượu chè như vậy cả, phải không?

Vậy thì do đâu mà rượu phải chịu nhiều điều tiếng đến vậy?

Xin thưa, đó là do tác động lên cảm xúc và các giác quan của rượu. Các sách giáo khoa về dược học đều viết rất rõ về tác dụng hai mặt của rượu lên cảm xúc và cảm giác. Với nồng độ thấp trong máu, rượu có tác dụng như một chất gây hưng phấn. Nghĩa là khi lai rai chút đỉnh, ta có thể nói về Putin thoải mái như nói về thằng bạn hàng xóm thời còn cởi truồng tắm mưa. Ta có thể bàn luận về cục diện quốc tế đầy tự tin và thành thạo hơn em gái hàng xóm luận số đề. Và khoái nhất, là khi uống in ít, lai rai sương sương, vợ ta là người đẹp nhất, Dương Quí Phi tái thế cũng không bằng, nhất định là vậy

Đó cũng là giây phút mà âm nhạc, thi ca, tư tưởng thăng hoa dưới tác dụng của rượu, uống ở mức độ vừa phải và chừng mực. Cái giây phút đẹp đẽ mà cụ Nguyễn Tuân làm lay động người đọc trong áng văn tả bữa tiệc rượu thạch lan ở nhà cụ Kép trong Vang bóng một thời. Một đồng nghiệp Việt kiểu của tôi, BS Michel L., kẻ sành điệu như Tây và hòa hoa như Việt, đã cho tôi một công thức uống rượu tuyệt chiêu trong một đêm đối ẩm ở Palace Đà lạt: “hãy để bụng đói vào buổi sáng, làm một ly Gin Tonic thật ngon, vừa nhấm nháp vừa nghe bản Bolero của Bizet!” Cái công thức mà anh Michel L truyền thụ vừa hấp háy mắt đắc ý đấy đã được tôi thử áp dụng trong một ngày nghỉ phép, lười nhác nằm nhà, quả thực là danh bất hư truyền. Gin, dường như đốt lửa cho âm nhạc, làm cho vũ điệu Bolero thêm bập bùng, nồng đượm như thế có một chiếc váy đỏ rực của một nàng vũ công bốc lửa nào đó đang chạm lòa xòa vào mặt, trong cơn mơ màng buổi sáng với lòng không nhưng đầy rượu mạnh. Xin hẹn bạn tôi, kẻ đang hạc nội mây ngàn nơi kinh thành ánh sáng, một ngày về tận Cà Mau, lai rai ly rượu đế xây chừng, lim dim mắt nghe bản Dạ cổ hoài lang, để xem cảm xúc âm nhạc nơi vùng đất xa xôi này có đáng ghi vào pho bí kíp về rượu của anh, như đã từng
với cái công thức gin- Bolero không nhé?

Như một tấm huy chương nào cũng có mặt trái của nó, với nồng độ cao, rượu là kẻ hủy diệt nam tính hữu hiệu nhất. Với nồng độ cao, rượu làm tê liệt các cảm xúc tinh tế và cùn nhụt những phản xạ thiết yếu, dẫn đến sự sai lạc hành vi, động tác. Y học gọi đây là chứng mất điều vận (ataxia). Phải chăng chầu rượu tiễn đưa của thái tử Đan bên sông Dịch là thủ phạm của cú hạ thủ quờ quạng trật lất của Kinh Kha vào Tần Thủy Hoàng? Uống rượu vào, vung kiếm làm sao mà chính xác nổi phải không? Hồi chưa có thuốc tê, người ta cho những nạn nhân sắp nhổ răng uống rượu đến “quắc cần câu”, say mèm rồi mới động thủ ra tay để giảm cái cảm giác đau thấu trời đó. Với nồng độ ethanol chỉ cần vào khoảng 10mg/dl trong máu, rượu làm bợm nhậu lái xe như chốn không người, đến nỗi về chầu ông bà vì tai nạn giao thông mà vẫn không hề hay biết. Nồng độ rượu cao hơn nữa thì khỏi nói!

Vì tính ức chế hệ thần kinh của rượu, thói chè chén say sưa là thủ phạm của bao nhiêu vụ bạo hành. Vì rượu làm ta thấy vợ ta tự dưng kém duyên dáng mặn mòi hơn vợ gã hàng xóm, đời ta sao u ám bế tắc quá chừng. Khác hẳn với những phút giây khoan khoái khi mới bắt đầu sưong sương tí chút. Y học gọi đây là tác dụng gây ảo giác mang tính ức chế của rượu. Lý Bạch uống rượu say mèm nhảy xuống ôm trăng chết đuối cũng là vì tác dụng gây ảo giác tai hại này đấy, chẳng phải do say mê thơ phú gì đâu!

Alexandre quá bảnh, Lỗ trí Thâm quá hào sảng. Nhưng không người đọc nào hình dung ra cảnh Alexandre nằm thoi thóp trên giường bệnh vì chứng xơ gan cổ trướng do ưông rượu quá nhiều. Hay cảnh tượng khôi hài của một Lỗ trí Thâm nôn thốc nôn tháo ra cả chú cầy tơ đồ nhắm, sau khi “dô” vài tô rượu tổ bố. Nam tính kiểu này thì không ai ham nổi, nhưng ít người biết đến cái kết cục thảm hại này. Vì sách nó lờ đi không thèm viết, thế thôi!

Nhưng tôi thì biết! Ít nhất là mỗi khi có một bợm nhậu lưu niên, tập tễnh lê bước vào phòng khám bệnh với một ngón chân cái sưng vù. À há, uống rượu nhiều, bụng phệ to tướng, acide urique trong máu cao ngất ngưỡng, gan thấm mỡ, máu đầy mỡ đục như nước dừa, sạn thận tổ chảng. Đó là chuyện tôi gặp như cơm bữa trong một ngày ở bệnh viện. Gout, hay bệnh thống phong, là một chứng bệnh liên quan với rượu, dường như ngày càng nhiều, nhất là trong giới làm ăn, mà các cuộc nhậu nhẹt ngoại giao là điều khó tránh. Y học biết rõ, rượu làm giảm bài xuất chất uric, làm lắng đọng chất này trong khớp, thận, gây ra những cơn đau ghê gớm mà sách thuốc gọi là chứng podagra và hủy hoại hai quả thận quí hơn vàng. Uống rượu để chuốc lấy những cơn đau méo xẹo mặt mày và phải đi cà nhắc như vậy, nam tính chỗ nào, hỡi trời!

Còn cái vụ kia thì sao? Có chuyện “ông uống bà khen” thật không?

Có và không, đó là câu trả lời chính xác! Cũng vì tính chất thăng hoa cảm xúc của rượu ở liều lượng thấp, ông bà ta quả là khôn ngoan và thâm thúy hết mực khi nghĩ ra cái nghi lễ ly rượu giao bôi hợp cẩn trước giờ động phòng hoa chúc. Một chút rượu ngon, chỉ một chút thôi, ắt hẳn làm cho bao cuộc hôn nhân thêm thi vị, phút luyến ái đầu tiên thêm nồng thắm mà bớt đựơc bao nhiêu nguợng ngùng. Rõ thực thần tình!

Còn uống rượu bét nhè, thì Shakespeare đã có một ghi nhận rất chính xác trong vở Macbeth (hồi 2, cảnh 3): “rượu gây ham muốn, nhưng lấy đi khả năng thực hiện ham muốn đó”. Sách giáo khoa dược học xác nhận quan sát tinh tường này của Shakespeare bằng thực nghiệm: uống rượu lưu niên làm gan của bợm nhậu tăng tổng hợp hormon nữ (estrogen) và giảm phát sinh hormon nam (testosterone). Do đó, rượu làm vô sinh, bất lực, teo tinh hoàn nhưng ngực lại nở nang như phụ nữ (?). Tóm lại, những biến đổi về sinh lý và nội tiết của bợm nhậu giống y chang như những điều xảy ra trong cơ thể một hoạn quan. Sách thuốc gọi là “thiến bằng hóa chất”, nghe sợ điếng cả người!

Vậy đó, uống rượu nhiều, vô độ, làm lòng ta ham hố tham lam, thấy phụ nữ nào cũng đẹp cũng xinh, cũng thuộc về ta ngoan ngoãn như vợ nhà cho ta sẵn sàng làm ẩu. Đây không phải là sự thể hiện bản lĩnh đàn ông đâu nhé, mà là sự mất tự chủ và kiềm chế dưới tác dụng của rượu thôi. Nhưng điều oái ăm là rượu cũng làm ta mất khả năng chiều chuộng phụ nữ, “chưa đi chợ đã hết tiền”, khiến cho lắm chị em phải bẽ bàng bên anh chồng nát rượu chốn canh thâu. Do đó, rượu là kẻ thù của nam tính theo nghĩa đen và đừng bao giờ dùng rượu như thuốc trợ lực để mong vợ gắn cho huân chương lao động hạng nhất, hỡi những bậc nam nhi chân chính!

Người uống rượu sẽ có tình trạng quờ quạng, phản ứng chậm chạp, kém nhạy bén khi nồng độ rượu trong máu từ 20-30 mg/dL. Nồng độ rượu quá 100 mg/dL, người uống rượu bắt đầu mất điều hợp các động tác của cơ thể, “chân nam đá chân xiêu”. Khi nồng độ này từ 200 mg/dl, bắt đầu ngủ gà và lú lẫn. Vượt qua giới hạn 400 mg/dl, gần như không tránh khỏi tử vong do rượu ức chế sự hô hấp.

Vậy thì “uống rượu lợi chăng”?

Khác với thuốc lá là món mà giới y học đều lắc đầu nguầy nguậy về độc tính, dường như việc uống rượu cũng có một vài lợi ích nào đó đối với sức khỏe. Tất cả bắt nguồn từ một quan sát của một thầy thuốc người Ireland vào năm 1819 và đã đi vào lịch sử y học dưới cái tên nghịch lý Pháp (French paradox). Người
ta thấy dân Pháp với đặc tính thích ăn ngon của mình có một khẩu phần khá xấu về dinh dữơng: 108 g mỡ động vật mỗi ngày so với 72 g của dân Mỹ. Dân Tây cũng xơi bơ nhiều gấp 4 lần, phô mai nhiều hơn 60% và thịt heo gấp 3 lần dân Mỹ. Nhưng thật khó hiểu, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ở đàn ông Pháp từ 35-74 tuổi chỉ bằng 1/3 dân Mỹ.

Nguyên nhân của điều khó giải thích này đã được khảo sát nghiêm túc và công bố trên tạp chí Journal of the American Medical Association năm 1904. Theo đó, người ta cho rằng chất resveratrol trong rượu nho đỏ, là nguyên nhân của tác dụng hữu ích do thói quen uống vang đỏ đều đặn của người Pháp.

Các khảo sát khoa học gần đây đã khẳng định: rượu làm giảm cholesterol xấu LDL, tăng cholesterol tốt HDL, giảm hiện tượng tắc mạch máu, giảm huyết áp và giảm nồng độ insulin trong máu. Điều kỳ lạ là những tác dụng hữu ích cho sức khỏe này là do chính bản thân ethanol trong rượu, chứ không phải do những chất oxy hóa có trong rượu vang đỏ như người ta lầm tưởng lúc ban đầu. Nghĩa là uống whisky, gin tonic, vodka, vang đỏ, vang trắng…đều tốt như nhau!

Quan trọng hơn, người ta cũng đã phác họa được mối tương quan giữa liều lượng rượu tiêu thụ và lợi ích trên sức khỏe. Hội Tim Hoa kỳ đã chính thức thừa nhận việc uống rượu vừa phải và điều độ (tương đương với một lon bia hay một ly rượu xây chừng mỗi ngày) làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch từ 30-50%. Uống nhiều hơn giới hạn này, tỷ lệ tử vong do bệnh tim lại tăng lên như cũ, đồng thời với sự gia tăng những bệnh tật khác do ngộ độc rượu mãn tính như xơ gan, loạn thần kinh…. Do đó, kết quả của công bố chính thức này phải được xem là lời cảnh báo nghiêm túc cho những bợm nhậu quen thói rượu chè vô độ, chứ không phải là lời cổ súy cho việc uống rượu tràn lan đâu nhé!

Cũng không thể không tính đến khung cảnh uống rượu. Uống rượu bét nhè, hút thuốc mù mịt, sau chầu say xỉn còn đi kiếm em út gác tay cho mau tỉnh rượu (?) thì không có nhà y học nào dám bảo đảm rằng chè chén kiểu này là tăng tuổi thọ. Không chừng lại sớm về gặp ông bà vì tai nạn giao thông hay với một vài con virus sầu riêng trong máu chưa biết chừng.

Do đó, rượu là bạn, là niềm an ủi, là một niềm vui trần thế mà con người có được qua bao thế kỷ. Rượu cũng là chất trợ lực, tráng dương, cải lão hoàn đồng nếu uống trong chừng mực, đều đặn và vừa phải. Vượt ra những điều kiện này, rượu là thức uống điên rồ nhất mà con người đã nghĩ ra để huỷ diệt mình và đồng loại. Xin đừng quên điều đó trước khi nâng ly!

Vậy xin nhại cụ Tản Đà mà có thơ rằng:

Rượu không ngon, không ngon

Ly uống rượu không ngon, không ngon

Chỗ ngồi uống rượu không ngon, không ngon,

Người cùng uống rượu không ngon, không ngon

Chỗ gác tay không ngon, không ngon

Uống tràn trề cung mây: đã không ngon mà còn dở ẹt!

Tài liệu tham khảo:

  1. Goodman and Gilman’s pharmological basis of therapeutics. Nhà xuất bản Pergamon, 1990
  2. Washington manual of medical therapeutics. NXB Lippincott Williams Wilkins 2005
  3. Nguyễn Duy Chính. Đọc Kim Dung, tìm hiểu văn hóa Trung Quốc
  4. http://www2.potsdam.edu/hansondj/AlcoholAndHealth.html

Nguồn: drnikonian.com