Bồ công anh được phân bố nhiều ở Đông Nam Á, Ấn Độ, đông Siberi, Nhật Bản và miền nam Trung Quốc, Đài Loan. Thường mọc hoang dại ven đường, các sườn đồi nhiều nắng, ở cao độ từ thấp tới trung bình. Ít được trồng. Có hai dạng là indivisa (được trồng với lá thẳng-mũi mác, không xẻ thùy) và runcinata với lá thuôn dài, xẻ thùy sâu hình lông chim.
1. TÊN GỌI KHÁC CỦA BỒ CÔNG ANH
Mũi mác, diếp dại, rau bao, phắc bao (Tày), lày máy kìm (Dao)
2. BỘ PHẬN DÙNG CỦA BỒ CÔNG ANH
Toàn cây, trừ rễ. Thu hái vào đầu mùa hạ, khi cây chưa có hoa. Loại bỏ lá xấu, lá già vàng úa. Dùng tươi hoặc phơi nắng, sấy nhẹ đến khô.
3. CÔNG DỤNG CỦA BỒ CÔNG ANH
Thuốc giải độc, tiêu viêm dùng trong trường hợp sưng vú, tắc tia sữa, mụn nhọt, đinh râu, áp xe. Còn chữa đau dạ dày, kém tiêu. Ngày dùng 8- 20g, dạng thuốc sắc, cao, siro. Phối hợp với nhiều thuốc khác để dùng ngoài, lá tươi giã nát, đắp.
4. TÊN KHOA HỌC CỦA BỒ CÔNG ANH
Bồ công anh có tên khoa học là LACTUCA INDICA L thuộc họ ASTERACEAE
5. MÔ TẢ CỦA BỒ CÔNG ANH
Cây cỏ, sống một năm, cao 0,5 – 1m. Lá mọc so le, không cuống, xẻ thuỳ hẹp và sâu, mép khía răng; lá ngọn ít xe. Hoa nhỏ màu vàng, hình đầu. Quả bé, có túm lông. Loài Taraxacum officinale Wigg. cũng gọi là bồ công anh và cũng được dùng.
6. MÙA HOA QUẢ CỦA BỒ CÔNG ANH
Tháng 6- 8.
7. PHÂN BỐ CỦA BỒ CÔNG ANH
Cây mọc hoang ở khắp nơi, trên các bãi trống và ruộng bỏ hoang…
Trên đây là một số thông tin về bồ công anh, thành phần hóa học cũng như tác dụng của bồ công anh được tổng hợp bởi Viện Dược Liệu Việt Nam. Thông tin này chỉ có tác dụng tham khảo; nếu muốn áp dụng, người đọc nên hỏi ý kiến người có chuyên môn.
(Theo vienduoclieu.org.vn – Viện Dược liệu Việt Nam)