Hương nhu tía là giống cây nhỏ, sống hằng năm hoặc nhiều năm. Thân màu đỏ tía, có lông quặp. Lá có cuống dài, thuôn hình mác hoặc hình trứng, mép có răng cưa, hai mặt đều có lông. Hoa màu tím, mọc thành chùm, xếp thành vòng 6-8 chiếc một chùm, ít phân nhánh. Quả bế. Toàn cây có mùi thơm.
1. TÊN GỌI KHÁC CỦA CÂY HƯƠNG NHU TÍA
É tía, é đỏ
2. BỘ PHẬN DÙNG CỦA CÂY HƯƠNG NHU TÍA
Cả cây, trừ rễ. Thu hái khi cây có hoa. Phơi hoặc sấy nhẹ đến khô. Có thể cất lấy tinh dầu.
3. THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÂY HƯƠNG NHU TÍA
Cả cây chứa tinh dầu có eugenol, methyl eugenol, carvacrol, a-cymen, camphen, limonen, a và b-pinen.
4. CÔNG DỤNG CỦA CÂY HƯƠNG NHU TÍA
Chữa cảm nắng, sốt nóng ớn lạnh, nhức đầu, đau bụng đi ngoài, tức ngực, nôn mửa, cước khí, thuỷ thũng. Ngày 6-12g dạng thuốc sắc hoặc xông. Nước sắc dùng súc miệng, ngậm chữa hôi miệng (hương nhu 10g nấu sôi 15 phút với 200ml nước).
5. TÊN KHOA HỌC CỦA CÂY HƯƠNG NHU TÍA
Cây hương nhu có tên khoa học là OCIMUM SANCTUM L thuộc họ LAMIACEAE
6. MÔ TẢ CỦA CÂY HƯƠNG NHU TÍA
Cây nhỏ, sống hàng năm hay sống dai, cao gần 1m. Thân, cành màu đỏ tía, có lông. Lá mọc đối, thường màu nâu đỏ, có cuống khá dài, mép hơi khía răng, hai mặt đều có lông. Hoa màu tím hay trắng, mọc thành bông xim co ở đầu cành. Quả bế. Toàn cây có mùi thơm dễ chịu.
7. MÙA HOA QUẢ CỦA CÂY HƯƠNG NHU TÍA
Tháng 5-7.
8. PHÂN BỐ CỦA CÂY HƯƠNG NHU TÍA
Cây được trồng phổ biến ở khắp nơi để làm thuốc.
Trên đây là một số thông tin về cây hương nhu tía, thành phần hóa học cũng như tác dụng của cây hương nhu tía được tổng hợp bởi Viện Dược Liệu Việt Nam. Thông tin này chỉ có tác dụng tham khảo; nếu muốn áp dụng, người đọc nên hỏi ý kiến người có chuyên môn.
(Theo vienduoclieu.org.vn – Viện Dược liệu Việt Nam)