Bưởi thường có màu xanh lục nhạt cho tới vàng khi chín, có múi dày, tép xốp, có vị ngọt hoặc chua ngọt tùy loại. Bưởi có nhiều kích thước tùy giống, chẳng hạn bưởi Đoan Hùng chỉ có đường kính độ 15 cm, trong khi bưởi Năm Roi, bưởi Tân Triều (Biên Hòa), bưởi da xanh (Bến Tre) và nhiều loại bưởi khác thường gặp ở Việt Nam, Thái Lan có đường kính khoảng 18–20 cm.
1. TÊN GỌI KHÁC CỦA BƯỞI
Bưởi còn có tên gọi khác như: bòng, mác pục (Tày), chu loan, plài plình (K’ho)
2. BỘ PHẬN DÙNG CỦA BƯỞI
Lá, vỏ quả, hoa và hạt. Hái quả già, gọt lấy vỏ, phơi trong râm cho khô. Lá thu hái quanh năm, thường dùng tươi. Hoa, cất lấy nước hoa bưởi.
3. THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA BƯỞI
Tinh dầu, với tỷ lệ 0,84% trong lá, gồm dipenten, linalol, citral, limonen; flavonoid;
vitamin A, C, B1 ; đường rhamnosa; acid citric; pectin , dầu béo,…
4. CÔNG DỤNG CỦA BƯỞI
Lá tươi nấu với lá thơm khác xông chữa cảm cúm, nhức đầu. Vỏ quả ngày 4-12g sắc uống chữa khó tiêu, đau bụng, ho. Vỏ hạt có pectin dùng làm thuốc cầm máu. Hạt bóc vỏ đốt thành than chữa chốc đầu. Lá non hơ nóng xoa bóp chữa chấn thương ứ máu.
5. TÊN KHOA HỌC CỦA BƯỞI
Bưởi có tên khoa học là CITRUS GRANDIS (L.) Osbeck thuộc họ RUTACEAE
6. MÔ TẢ CỦA BƯỞI
Cây nhỡ, cao tới gần 10m. Cây nhỏ và cành non có gai. Lá mọc so le, có cuống ; phiến lá có tai ở gốc. Cụm hoa hình xim, hoa màu trắng thơm. Quả to, hình cầu, trong có nhiều múi, chứa nhiều tép, ăn được. Hạt có cạnh, hơi dẹt. Vỏ thân, vỏ quả và lá có tinh dầu thơm.
7. MÙA HOA QUẢ CỦA BƯỞI
Hoa: Tháng 3 – 5; Quả: Tháng 8 – 11.
8. PHÂN BỐ CỦA BƯỞI
Cây trồng ở khắp nơi.
Trên đây là một số thông tin về cây bưởi, thành phần hóa học cũng như tác dụng của cây bưởi được tổng hợp bởi Viện Dược Liệu Việt Nam. Thông tin này chỉ có tác dụng tham khảo; nếu muốn áp dụng, người đọc nên hỏi ý kiến người có chuyên môn.
(Theo vienduoclieu.org.vn – Viện Dược liệu Việt Nam)