Đấy là lần đầu tiên tôi đến nơi rừng dương địa đầu Tổ quốc này. Qua những gì được đọc và nghe về Móng Cái, tôi tưởng tượng đây là một nơi giao thương sầm uất, do tiếp giáp với Trung Quốc. Nhưng tôi đã nhầm.
Thành phố Móng Cái khá thanh bình, hệt như nhiều đô thị tỉnh lẻ khác trên cả nước. Ngay cả khu vực cửa khẩu cũng không hề tấp nập người qua kẻ lại. Sông Ka Long thay vì cảnh thuyền, bè san sát như được mô tả trước đây, lại khá vắng lặng. Chợ Móng Cái cũng không có mấy người mua hàng. Còn một trung tâm thương mại rất lớn trên Quảng trường Hòa Bình thì đóng cửa, bên ngoài đang treo biển cho thuê gian hàng.
Tóm lại, mọi thứ tôi thấy khác xa những gì tôi vẫn hình dung về Móng Cái như một cửa khẩu nhộn nhịp bậc nhất trong cả nước. Đem thắc mắc hỏi một anh bạn đã công tác ở đây một thời gian dài. Anh nói rằng những gì tôi biết về Móng Cái không hề sai. Nhưng đó là câu chuyện trước đây. Anh kể, khi ấy Móng Cái sôi động chẳng kém gì Hà Nội. Thậm chí, người ta có thể chạy qua sông Ka Long bằng cách nhảy từ thuyền này sang thuyền khác, do mật độ thuyền buôn quá dày đặc. Móng Cái trầm lắng như hiện nay là do chiến dịch chống hàng lậu. Anh bạn tôi nói, kể từ sau khi có chỉ đạo mạnh của Trung ương, dân buôn lậu gần như không còn đất làm ăn ở vùng này. Không chỉ khó đánh hàng về đất Móng Cái, ngay cả việc đưa hàng vào sâu trong nội địa cũng là bất khả thi. Bởi dọc đường đi có rất nhiều chốt kiểm tra của các lực lượng chức năng.
Trên đường từ Móng Cái về Hà Nội chính xe của chúng tôi (tuy chỉ là xe 4 chỗ) cũng bị kiểm tra xem có chở hàng lậu hay không. Tôi thấy tất cả các xe khi đi qua chốt ở thời điểm đó đều bị dừng lại để kiểm tra kỹ càng, không có bất kỳ ngoại lệ nào. Tận mắt chứng kiến cảnh này ban đầu tôi cảm thấy khá vui. Vì với sự kiểm soát gắt gao như vậy, nạn buôn lậu tại Móng Cái có vẻ đã được giải quyết. Mà ai cũng biết buôn lậu tràn lan chính là một trong những nguyên nhân khiến hàng nội không thể cạnh tranh và tìm được chỗ đứng.
Rõ ràng việc ngăn chặn buôn lậu không phải là bất khả thi. Nếu quyết tâm, làm việc bài bản và chặt chẽ thì tình trạng ấy có thể được hạn chế đến mức thấp nhất. Tuy nhiên, vấn nạn buôn lậu lại tồn tại nhức nhối, gần như công khai ở Móng Cái trong một thời gian dài, bất chấp trên thực tế địa phương luôn có đầy đủ ban bệ. Chỉ đến giai đoạn vừa qua với sự quyết liệt từ Trung ương thì tình hình mới thay đổi. Theo tôi, buôn lậu ở Móng Cái chẳng khác nào chuyện con bò chui lọt lỗ kim – một tình trạng khiến cho mối lợi bất hợp pháp chảy vào túi một số ít cá nhân, đồng thời để lại nhiều hệ lụy cho xã hội, chứ không đóng góp gì cho ngân sách nhà nước hay cộng đồng.
Vấn đề là chuyện những con bò chui lọt lỗ kim lại không chỉ xảy ra tại Móng Cái. Còn rất nhiều câu chuyện và ví dụ tương tự như thế ở khắp Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là phải chăng chuyện gì cũng cần xuất phát từ một chiến dịch, có Trung ương vào cuộc, có chỉ đạo sát sao thì mới được thực thi nghiêm túc, hiệu quả?
Tôi cho rằng đây là một tình trạng nguy hiểm. Xã hội chỉ có thể tiến lên, nếu con người luôn thực thi chức trách của mình một cách cao nhất trong mọi hoàn cảnh. Bởi rõ ràng, chuyện chỉ làm tốt khi có cấp trên đôn đốc, khi có cao điểm là cách làm việc mang tính chất đối phó và không có tính bền vững. Tôi không dám chắc sau khi đợt cao điểm đấu tranh phòng chống buôn lậu kết thúc, lần tới tôi trở lại Móng Cái, “sự thanh bình” liệu có còn tiếp diễn, hay tình trạng buôn lậu phức tạp lại tái phát?
Tôi vẫn hy vọng vào khả năng đầu tiên. Đơn giản bởi, nếu nhà chức trách địa phương thực sự quyết tâm, thực sự muốn phòng chống, tôi tin chắc chắn họ sẽ nhìn thấy và có giải pháp với những con bò lọt lỗ kim, mà chẳng cần Trung ương vào cuộc.
Phan Tất Đức