Tin vào điều tốt đẹp

Thậm chí, ngay cả Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng, cũng công khai phát biểu trước báo giới rằng trận đấu này có dấu hiệu bất thường và đã nhờ cơ quan chức năng làm rõ.

Tôi thì không đồng tình với quan điểm ấy. Ai cũng biết bóng đá, nhất là những trận đấu knock-out, là một cuộc chơi khắc nghiệt. Kết quả cuối cùng luôn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm cả vận may. Trong một ngày “xấu trời” thì ngay cả các ngôi sao hàng đầu thế giới cũng có thể mắc những sai lầm ngớ ngẩn, nghiêm trọng và bất kỳ đội bóng nào cũng có thể thua trận, thậm chí là thua thảm hại. Ví dụ như tại World Cup 2014 vừa qua, đội bóng khi ấy là đương kim vô địch Tây Ban Nha hay chủ nhà Brazil đều đã thua trước Hà Lan và Đức. Bởi vậy, việc tuyển Việt Nam vừa thua đã lập tức bị đặt nghi vấn bán độ, dù đã có một hành trình khá tích cực trước đó, theo tôi là một cái nhìn mang tính tiêu cực, không tin tưởng vào các cầu thủ.

Nhưng tư tưởng ấy lại đang tồn tại khá phổ biến trong xã hội. Năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) và Đại học Y tế Công cộng Boston dưới sự hỗ trợ của tổ chức Hướng tới minh bạch (Towards Transparency) đã tiến hành một nghiên cứu định tính về các khoản chi phí không chính thức trong y tế tại Việt Nam. Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu việc đưa và nhận phong bì tại các cơ sở y tế. Kết quả cho thấy khoảng một nửa số bệnh nhân được phỏng vấn ở bệnh viện tuyến tỉnh và thành phố cho biết họ đưa phong bì hoặc quà biếu cho nhân viên y tế vì thấy ai cũng làm như vậy. Trong khi đó, chỉ có 1/3 số người được phỏng vấn trả lời rằng họ phải đưa phong bì do bị nhân viên y tế trực tiếp đòi hỏi hoặc có hành động gợi ý.

Như vậy, phần lớn bệnh nhân đã chủ động đưa phong bì, dù không (hay có thể là chưa) bị nhân viên y tế vòi vĩnh. Họ làm như vậy vì nghĩ rằng: nếu không đưa phong bì thì có thể bị phân biệt, đối xử hoặc nhận được chất lượng điều trị kém hơn bình thường. Nhưng sự thật không như họ nghĩ. Cũng theo nghiên cứu này thì gần như toàn bộ nhân viên y tế tham gia vào nghiên cứu tại tất cả các tuyến từ huyện đến trung ương đều trả lời “Không” cho câu hỏi: “Liệu việc đưa phong bì, quà biếu có cải thiện được chất lượng điều trị hay không?”. Theo các y bác sĩ, chất lượng điều trị cho bệnh nhân là không hề khác biệt, bất chấp họ có hay không đưa phong bì hoặc biếu quà. Tôi tin câu trả lời này là chính xác. Bởi tôi có rất nhiều bạn thân là bác sĩ. Tất cả họ trong lúc bạn bè thân tình tâm sự đều khẳng định: không quan tâm đến việc bệnh nhân có đưa phong bì hay không.

Tôi không phủ nhận rằng vẫn tồn tại chuyện con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng có thể thấy, việc xã hội thiếu niềm tin và giữ cái nhìn tiêu cực về đội ngũ y bác sĩ chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn phong bì tràn lan như hiện nay. Tôi cho rằng không chỉ với ngành Y, mà còn rất nhiều ngành nghề khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Người ta nghi kị, tự làm khổ mình với quan niệm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, vì thiếu niềm tin vào những điều minh bạch, tốt đẹp.

Sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta cứ giữ cái nhìn thiếu tính xây dựng như vậy. Bởi về lâu về dài chắc chắn nó sẽ khiến từng cá nhân bị tha hóa và bị cuốn vào vòng xoáy của tiêu cực (do dễ tặc lưỡi rằng cả xã hội đều vậy, dù thực tế thì hoàn toàn không phải như thế). Năm 2011, Tổ chức Liêm chính thế giới (Transparency International) thực hiện một khảo sát thí điểm về liêm chính trong thanh niên Việt Nam thì có 28% lý giải họ sẽ không tố cáo một hành động tham nhũng vì “có tố cáo cũng chẳng giải quyết được gì”.

Việc cứ bi quan, mặc định nhìn đâu cũng thấy tiêu cực chắc chắn rồi sẽ tạo ra một xã hội tiêu cực thật sự. Đơn giản bởi, người ta không thể làm được những điều tốt đẹp, nếu bản thân không tin vào những điều tốt đẹp.

Phan Tất Đức