Ngải cứu là cây thân thảo, sống lâu năm, lá mọc so le, chẻ lông chim, phiến men theo cuống đến tận gốc, dính vào thân như có bẹ, các thùy hình mác hẹp, đầu nhọn, mặt trên màu lục sậm, mặt dưới phủ đầy lông nhung màu trắng. Những lá ở ngọn có hoa không chẻ. Cây ngải cứu ưa ẩm, dễ trồng bằng cách giâm cành hay cây con.
1. TÊN GỌI KHÁC CỦA NGẢI CỨU
Ngải cứu có tên gọi khác là thuốc cứu, ngải diệp, nhả ngải (Tày), quá sú (H’mông), co linh li (Thái).
2. BỘ PHẬN DÙNG CỦA NGẢI CỨU
Toàn cây, bỏ rễ. Thu hái vào mùa xuân hạ, khi hoa chưa nở. Dùng tươi hoặc phơi khô trong bóng râm.
3. THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA NGẢI CỨU
Cả cây chứa tinh dầu, thành phần chủ yếu là cineol, α-thuyon, dehydro matricaria este, tetradecatrilin, tricosanol, arachyl alcol, adenin, cholin.
4. CÔNG DỤNG CỦA NGẢI CỨU
Chữa kinh nguyệt không đều, khí hư, động thai, băng huyết, thổ huyết, chảy máu cam, lỵ ra máu, nôn mửa, đau bụng, đau dây thần kinh, thấp khớp ghẻ lở. Ngày 6 – 12g dạng sắc, cao. Ngải nhung dùng làm mồi cứu. Để điều kinh, uống tuần lễ trước khi có kinh.
5. TÊN KHOA HỌC CỦA NGẢI CỨU
Tên khoa học của ngải cứu là ARTEMISIA VULGARIS L thuộc họ ASTERACEAE
6. MÔ TẢ CỦA NGẢI CỨU
Cây cỏ, sống nhiều năm, cao 0,4 – 1m; cành non có lông. Lá mọc so le, phiến lá xẻ lông chim, mặt trên xanh sẫm, mặt dưới màu trắng xám, có lông. Vò nát có mùi thơm hắc. Cụm hoa hình đầu nhỏ, màu vàng lục nhạt, mọc tập trung thành từng chùm kép ở đầu cành. Quả bế nhỏ, không có túm lông.
7. MÙA HOA QUẢ CỦA NGẢI CỨU
Tháng 10 – 12.
8. PHÂN BỐ CỦA NGẢI CỨU
Cây mọc hoang ở miền núi, nhưng chủ yếu được trồng để làm thuốc.
Trên đây là một số thông tin về ngải cứu, thành phần hóa học cũng như tác dụng của ngải cứu được tổng hợp bởi Viện Dược Liệu Việt Nam. Thông tin này chỉ có tác dụng tham khảo; nếu muốn áp dụng, người đọc nên hỏi ý kiến người có chuyên môn.
(Theo vienduoclieu.org.vn – Viện Dược liệu Việt Nam)