1. TÊN GỌI KHÁC CỦA CÂY SỪNG DÊ
Sừng bò, dương giác ảo, dây vòi voi, coóc bẻ (Tày)
2. BỘ PHẬN DÙNG CỦA CÂY SỪNG DÊ
Hạt. Thu hái quả vào tháng 11-12. Lấy hạt, bỏ chùm lông. Phơi hoặc sấy khô.
3. THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÂY SỪNG DÊ
Hạt chứa các glucosid: divaricosid, thủy phân cho genin là sarmentogenin và phần đường là L-oleandrosa; divostrosid, caudosid, sinosid…
4. CÔNG DỤNG CỦA CÂY SỪNG DÊ
D.Strophantin là hỗn hợp glucosid dùng chữa suy tim cấp và mạn tính, trường hợp suy tim không chịu tác dụng của thuốc loại Digitalis. Ngày 1- 2 ống tiêm, mỗi ống 2ml có 0,25mg D.Strophantin. Tiêm dung dịch nguyên hoặc pha loãng trong dung dịch tiêm glucosa, tiêm thật chậm vào tĩnh mạch.
5. TÊN KHOA HỌC CỦA CÂY SỪNG DÊ
Cây sừng dê có tên khoa học là STROPHANTHUS DIVARICATUS (Lour.) Hook. et Arn thuộc họ APOCYNACEAE
6. MÔ TẢ CỦA CÂY SỪNG DÊ
Cây bụi, có cành vươn dài 3- 4m. Vỏ có nhiều nốt sần. Lá mọc đối, có cuống ngắn, Cụm hoa hình xim ở đầu cành. Hoa màu vàng, cánh hoa kéo dài thành hình sợi. Quả nang, gồm 2 đại nhọn đầu, dính nhau ở gốc. Hạt nhiều, màu nâu, có cán mang chùm lông mịn. Toàn cây có nhựa mủ.
7. MÙA HOA QUẢ CỦA CÂY SỪNG DÊ
Hoa: Tháng 6 – 7; Quả: Tháng 8 – 12.
8. PHÂN BỐ CỦA CÂY SỪNG DÊ
Cây mọc hoang chủ yếu ở vùng đồi núi và các trảng cây bụi ven biển.
Trên đây là một số thông tin về cây sừng dê, thành phần hóa học cũng như tác dụng của cây sừng dê được tổng hợp bởi Viện Dược Liệu Việt Nam. Thông tin này chỉ có tác dụng tham khảo; nếu muốn áp dụng, người đọc nên hỏi ý kiến người có chuyên môn.
(Theo vienduoclieu.org.vn – Viện Dược liệu Việt Nam)