Cây sơn tra trước đây hoàn toàn nhập của Trung Quốc. Những năm gần đây ta đã thu mua táo mèo và chua chát dùng với tên sơn tra. Nhưng ta thấy hai cây này đều khác chi sơn tra thất do đó cần nghiên cứu so sánh việc sử dụng. Điều chú ý là một số tỉnh Hoa Nam Trung Quốc cũng nhập của ta những quả này với tên sơn tra. Nói chung quả chua chát và quả táo mèo của ta có đường kính lớn hơn sơn tra, khi chín sơn tra thật có màu đỏ mận hay đỏ tươi.
1. TÊN GỌI KHÁC CỦA CÂY SƠN TRA
Sán sá (Tày), chua chát, cây gan, co sam sa (Thái)
2. BỘ PHẬN DÙNG CỦA CÂY SƠN TRA
Quả. Thu hái vào mùa thu. Thái từng khoanh, phơi khô.
3. THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÂY SƠN TRA
Quả chứa tanin, đường, acid tartric, acid citric.
4. CÔNG DỤNG CỦA CÂY SƠN TRA
Quả chữa ăn không tiêu, bụng đầy trướng, đau bụng, ỉa chảy, đau bụng do ứ huyết sau khi đẻ, trị cao huyết áp, làm giảm đau. Ngày dùng 8- 20g dạng thuốc sắc, cao lỏng, thuốc bột hoặc viên. Dùng ngoài chữa chốc lở, lở sơn: Đun nước sơn tra để tắm, rửa.
5. TÊN KHOA HỌC CỦA CÂY SƠN TRA
Cây sơn tra có tên khoa học là MALUS DOUMERI (Bois.) A. Chev thuộc họ ROSACEAE
6. MÔ TẢ CỦA CÂY SƠN TRA
Cây gỗ, cao 10- 15m. Cây non có gai và có lông. Lá hình trứng, mọc so le, gốc tròn, đầu nhọn, mép có răng cưa, lúc non có lông sau nhẵn. Cụm hoa hình tán, gồm 3- 5 hoa màu trắng, mọc ở kẽ lá. Quả hạch, hình cầu hơi dẹt, khi chín màu vàng lục, ăn được. Hạt màu nâu sẫm. Loài Docynia indica (Wall.) Decne, quả cũng được dùng với tên sơn tra.
7. MÙA HOA QUẢ CỦA CÂY SƠN TRA
Hoa: Tháng 2- 3; Quả: Tháng 7- 9.
8. PHÂN BỐ CỦA CÂY SƠN TRA
Cây mọc hoang và được trồng ở miền núi.
Trên đây là một số thông tin về cây sơn tra, thành phần hóa học cũng như tác dụng của cây sơn tra được tổng hợp bởi Viện Dược Liệu Việt Nam. Thông tin này chỉ có tác dụng tham khảo; nếu muốn áp dụng, người đọc nên hỏi ý kiến người có chuyên môn.
(Theo vienduoclieu.org.vn – Viện Dược liệu Việt Nam)