Cây keo giậu và công dụng chữa bệnh từ cây keo giậu

Keo giậu là một loài cây gỗ nhỏ, loài cây này tại Việt Nam thường được trồng làm hàng rào nên người ta thường gọi là keo dậu. Nó thuộc về chi Keo dậu (Leucaena) trong Phân họ Trinh nữ (Mimosoideae), họ Đậu (Fabaceae), bộ Đậu (Fabales) và sinh trưởng ở vùng nhiệt đới. Tán rộng, vỏ cây màu xám. Lá thuộc dạng lá kép lông chim 2 lần chẵn, trên cuống lá cấp 1 có các tuyến hình chậu (một đặc điểm điển hình thuộc phân họ trinh nữ). Hoa tự đầu trạng, tràng hoa màu trắng. Quả tạo thành chùm. Hạt khi xanh có thể ăn được và thường dùng làm thuốc trục giun, khi quả chín, hạt chuyển màu nâu đen.

cay-keo-giau-2

1. TÊN GỌI KHÁC CỦA CÂY KEO GIẬU

Cây keo, bồ kết dại, bọ chét, bình linh, phắc căn thin (Tày)

2. BỘ PHẬN DÙNG CỦA CÂY KEO GIẬU

Hạt. Thu hái quả già vào màu hạ, thu. Tách vỏ quả lấy hạt. Phơi hoặc sấy khô.

3. THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÂY KEO GIẬU

Hạt chứa dầu béo gồm các acid palmitic, stearic, oleic, linoleic, behenic, lignoceric; alcaloid leucenin (leucenol): 3- 5%. Lá có tanin, quercitrin và alcaloid.

4. CÔNG DỤNG CỦA CÂY KEO GIẬU

Hạt keo giậu dùng làm thuốc tẩy giun đũa. Người lớn: 25- 50g, trẻ em tuỳ tuổi: 5- 20g một ngày. Uống liền 3 ngày, đôi khi 5 ngày, vào buổi sáng lúc đói. Dùng hạt tán bột sau khi rang khô hoặc thêm đường làm thành bánh; đôi khi dùng tươi.

5. TÊN KHOA HỌC CỦA CÂY KEO GIẬU

Cây keo giậu có tên khoa học là LEUCAENA LEUCOCEPHALA (Lam.) De Wit thuộc họ MIMOSACEAE

6. MÔ TẢ CỦA CÂY KEO GIẬU

18_Sep_2014_034919_GMTl3

Cây nhỏ, cao vài mét. Lá kép hai lần lông chim, gồm nhiều lá chét nhỏ. Hoa màu trắng, tụ họp thành hình chuỳ ở kẽ lá. Quả đậu, dẹt và mỏng. Hạt nhẵn, màu nâu sẫm.

7. MÙA HOA QUẢ CỦA CÂY KEO GIẬU

Hoa: Tháng 4- 6; Quả: Tháng 7- 9.

8. PHÂN BỐ CỦA CÂY KEO GIẬU

Cây mọc hoang và thường được trồng làm hàng rào, làm rào che chắn cho cây cà phê, làm phân xanh.

Trên đây là một số thông tin về cây keo giậu, thành phần hóa học cũng như tác dụng của cây keo giậu được tổng hợp bởi Viện Dược Liệu Việt Nam. Thông tin này chỉ có tác dụng tham khảo; nếu muốn áp dụng, người đọc nên hỏi ý kiến người có chuyên môn.

(Theo vienduoclieu.org.vn – Viện Dược liệu Việt Nam)