Cây lựu là một loài thực vật ăn quả thân gỗ nhỏ có chiều cao từ 5-8 mét. Lựu có nguồn gốc bản địa Tây Nam Á và được đem trồng tại vùng Kavkaz từ thời cổ đại. Nó được trồng rộng rãi tạiGruzia, Afghanistan, Algérie, Armenia, Azerbaijan, Iran, Iraq, Ấn Độ, Israel, Maroc, Pakistan, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, lục địa Đông Nam Á, Malaysia bán đảo, Đông Ấn, và châu Phi nhiệt đới. Được di thực vào châu Mỹ Latinh và California bởi những người định cư Tây Ban Nha vào năm 1769, ngày nay lựu được trồng tại một số vùng của bang California và Arizona để sản xuất đồ uống.
1. TÊN GỌI KHÁC CỦA CÂY LỰU
An thạch lựu, mác lìu (Tày)
2. BỘ PHẬN DÙNG CỦA CÂY LỰU
Vỏ rễ, vỏ thân. Thu hái vào mùa thu. Phơi hoặc sấy khô. Vỏ thu hái vào tháng 5-6.Dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
3. THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÂY LỰU
Vỏ rễ, vỏ thân chứa pelletierin, isopelletierin, pseudo-pelletierin, methyl-pelletierin. Vỏ quả: Tanin. Dịch quả có acid citric, acid malic, đường glucosa, fructosa, maltosa.
4. CÔNG DỤNG CỦA CÂY LỰU
Chữa sán dây: Ngày 20-50g vỏ rễ hoặc vỏ thân khô, dạng thuốc sắc, hoặc 0,30g pelletierin phối hợp với 0,40g tanin chia thành 3 lần uống. Chữa kiết lỵ, ỉa chảy: Ngày 15-20g vỏ quả, dạng thuốc sắc. Thuốc rất độc, dùng thận trọng. Không dùng cho trẻ em, phụ nữ có thai.
5. TÊN KHOA HỌC CỦA CÂY LỰU
Cây lựu có tên khoa học là PUNICA GRANATUM L thuộc họ PUNICACEAE
6. MÔ TẢ CỦA CÂY LỰU
Cây nhỏ, cao 2-3m, vỏ thân màu xám. Lá mọc đối hoặc so le, có khi thành từng cụm, cuống ngắn. Hoa đỏ tươi mọc ở đầu cành. Quả mọng, hình cầu, đường kính 5-8cm, có đài tồn tại, khi chín màu vàng, đốm đỏ nâu. Hạt nhiều, áo hạt (cơm) ăn được.
7. MÙA HOA QUẢ CỦA CÂY LỰU
Hoa: Tháng 4-5. Quả: Tháng 6-10.
8. PHÂN BỐ CỦA CÂY LỰU
Cây trồng để lấy quả ăn, làm cảnh và làm thuốc.
Trên đây là một số thông tin về cây lựu, thành phần hóa học cũng như tác dụng của cây lựu được tổng hợp bởi Viện Dược Liệu Việt Nam. Thông tin này chỉ có tác dụng tham khảo; nếu muốn áp dụng, người đọc nên hỏi ý kiến người có chuyên môn.
(Theo vienduoclieu.org.vn – Viện Dược liệu Việt Nam)